11 Tháng 12 2024

Sắp xếp các từ Lê, Trịnh trong câu “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” như thế nào cho đúng với sự thực lịch sử

Sắp xếp các từ Lê, Trịnh trong câu “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” như thế nào cho đúng với sự thực lịch sử

Tô Tử

Khi đề cập đến thời kỳ Lê-Trịnh trong lịch sử Việt Nam, tôi thường được nghe câu nói về mối quan hệ của hai dòng họ Lê - Trịnh trong việc lập lại triều Lê và cai quản đất nước thời kỳ dài một phần tư thiên niên kỷ. Người thì nói “Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong”, kẻ thì:  “Lê tồn Trịnh bại, Lê bại Trịnh vong” v.v..

Ở đây, xin không bàn về ý đồ hay trình độ hiểu biết của người phát ngôn mà chỉ bàn về mối quan hệ giữa hai dòng họ trong chính sự thời bấy giờ để tìm ra cách diễn đạt phản ánh đúng thực tế lịch sử.

Với mối quan hệ trên, có ít nhất 3 cách diễn đạt (3 câu) khác nhau, thể hiện vai trò và sự phụ thuộc khác nhau của vua Lê và chúa Trịnh:

-         “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.”

-         “Trịnh tồn Lê tại, Trịnh bại Lê vong.”

-         “Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong.”

Trong từng vế câu, chữ “Lê” hay chữ “Trịnh” đặt trước hay đặt sau sẽ dẫn đến nội dung ý nghĩa khác nhau. Cụ thể hơn là vai trò của họ Lê, họ Trịnh trong thể chế chính trị sẽ khác nhau.

Như ta biết, Năm 1545 Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm được vua Lê giao cho toàn quyền, tức thay cho vị trí, vai trò như Nguyễn Kim. Năm 1556 vua Trung Tông mất, không có người nối dõi. Đây là cơ hội Trịnh Kiểm có thể lên làm vua. Về sự kiện này, dân gian có lời đồn rằng, Trịnh Kiểm được Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) khuyên bằng một lời bóng gió, ẩn ỷ: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản". Nghĩa là vẫn giữ ngôi cho nhà Lê thì sẽ có bổng lộc, tức vẫn giữ được chức quyền như cũ.

Chẳng biết thực hư thế nào trước những lời đồn thổi này.

Tôi cho rằng, một người trí tuệ và tài năng như Trịnh Kiểm chẳng dại gì chiếm ngôi của vua Lê. Bài học về Mạc Đăng Dung đang là nhãn tiền:

Nhà Mạc thay nhà Lê bằng việc giết vua Lê. Mạc Đăng Dung lên ngôi là không chính danh. Triều Mạc bị gọi là ngụy triều, Mạc Đăng Dung bị xếp vào hàng nghịch thần (theo quan niệm của thời bấy giờ). “Họ Mạc là bề tôi phản nghịch của nhà vua([i]). “Đăng Dung phong cho người tông thất mình là Mạc (không rõ tên) làm Tĩnh quốc vương, trung quan Nguyễn Thế Ân làm Lỵ quốc công (người xã Mộ Trạch, huyện Đường An) để giúp dập ở bên cạnh mình. Thần dân đều thất vọng, cả nước hoang mang ([ii]). Chính Mạc Đăng Dung cũng ý thức được việc này, vì vậy,  “Tháng 12 năm 1529, Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái thượng hoàng, ra ở điện Tiền Quang([iii]) .

Vì dùng vũ lực để lên  ngôi vua  nên Mạc Đăng Dung không được lòng quần thần nhà Lê bấy giờ. Điều đó cũng đã được  đề cập đến trong tập 3 của “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau:  “Đăng Dung sợ lòng người nhớ vua cũ, để lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi, phủ dụ thần dân, trấn áp lòng người, che bịt tai mắt họ. Lại lập mưu vờ tìm con cháu các nhà thế gia công thần. Bấy giờ, những người ấy phần nhiều ẩn náu chạy trốn vào núi rừng, người thì ẩn giấu họ tên không chịu ra, kẻ thì tụ họp nhau thành đảng cướp, có người đi  làm quan với nước ngoài để tạm sống, không còn biết là theo ai nữa([iv]).

Nguyễn Kim, bố vợ Trịnh Kiểm đã dựng ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” để lấy lòng dân, nhận được sự đồng tình của nhân dân và quan lại nhà Lê. Cho nên cuộc trung hưng sau này do Trịnh Kiểm và con cháu ông mới giành được thắng lợi. Như vậy, nhà Trịnh muốn giành thắng lợi phải tôn thờ nhà Lê: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản". Có nghĩa là có nhà Lê thì nhà Trịnh mới tồn tại được.

Từ trên ta có thể khẳng định vế 1 của câu phải là “Lê tồn Trịnh tại”.

Còn vế 2 ?

Với ngọn cờ "Phù Lê diệt Trịnh", năm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc. Nhà Trịnh tiêu vong. Nguyễn Huệ trao trả quyền bính cho vua Lê. Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời. Nguyễn Huệ tôn lập Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, đó là vua Lê Chiêu Thống. Nội bộ Tây Sơn có mâu thuẫn. Tướng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An muốn phản Tây Sơn.  Nguyễn Huệ phái Vũ Văn Nhậm, con rể của Nguyễn Nhạc, ra tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Tuy nhiên, tình hình vẫn không sáng sủa, đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền và có ý chống Nguyễn Huệ. Tháng 4 năm 1788, Lê Chiêu Thống đã bỏ kinh đô lưu vong rồi sang cầu cứu nhà Thanh. Kể từ đây, Chiêu Thống tin tưởng hoàn toàn vào nhà Thanh. Dù trở lại ngôi vua, Chiêu Thống thực sự chỉ là bù nhìn của quân Thanh. Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung  quét sạch 29 vạn quân Thanh, vua lại phải theo bại quân nhà Thanh chạy sang Trung Quốc. Chiêu Thống lại tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhà Thanh, phần sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến, chỉ hứa hão chứ không giúp gì cho Chiêu Thống. Tháng 5 năm 1792, con trai chết, Chiêu Thống thất vọng và chán nản, lâm bệnh rồi qua đời ngày 16 tháng 10 (âm lịch) năm 1793 tại Yên Kinh, Trung Quốc. Nhà Lê mất.

Từ các sự kiện trên, ta thấy, sau khi nhà Trịnh thất bại, Chiêu Thống không thể dựa được vào ai như đã từng dựa vào nhà Trịnh trước kia nên dẫn đến sự tiêu vong của nhà Lê.

Vì vậy, vế thứ 2 của câu này phải là: “Trịnh bại Lê vong.”

Từ sự phân tích trên, đi đến khẳng định, vị trí chữ Lê, chữ Trịnh phải được sắp xếp như sau thì mới mang tính chân thực của lịch sử:

               Lê tồn Trịnh tại, Trịnh bại Lê vong.

                                                           Hà Nội, tháng 4 năm 1997



([i]) Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, năm 2000, trang 183. 

([ii]) Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, năm 2000, trang 174.

([iii]) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3, Đại Việt thông sử, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1978, trang 270.

([iv]) Đại Việt sử ký toàn thư tập 3, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, năm 2000, trang 174.

 

Để lại một bình luận

Gõ tiếng Việt có dấu khi tham gia bình luận. Bình luận của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng!

Hỗ trợ trực tuyến

Mr.Trịnh Đức

ĐT: 090.7707671

Skype Me™!

Mr.Trịnh Tứ

ĐT: 090.8340877

Skype Me™!

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

Bình chọn trực tuyến

Bạn biết đến website hotrinhphia.com qua?

Hội thảo - 0%
Bạn bè - 25%
Truyền hình - 25%
Internet - 37.5%
Các nguồn khác - 12.5%

Tổng số phiếu: 8
The voting for this poll has ended on: Tháng 7 21, 2013